Lịch tiêm tùy theo độ tuổi. Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Vaccine của hãng GSK (Bỉ), ra mắt từ năm 2017, đến nay lưu hành tại hơn 50 quốc gia như Anh, Mỹ, Australia, Hy Lạp, Canada... Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine có hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, khoảng 87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và biến chứng khác, tỷ lệ đến 90%.
Bà Bùi Thị Thanh Hải, 72 tuổi, sống ở TP Thủ Đức, TP HCM từng mắc zona thần kinh, đến VNVC tiêm vaccine ngày 4/10. Ảnh: Hồng Nhung
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM kỳ vọng vaccine sẽ là giải pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả cho người dân. Hiện nhiều quốc gia và các hiệp hội chuyên ngành trên thế giới cũng khuyến cáo tiêm mũi ngừa zona thần kinh cho người có bệnh nền mạn tính.
Vaccine ngừa zona thần kinh sẽ được triển khai tiêm tại toàn bộ hơn 200 trung tâm VNVC. Đây là hệ thống tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam có vaccine này. Giá mũi tiêm khoảng 3,9 triệu đồng.
Zona thần kinh là bệnh do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Virus trú ẩn trong cách hạch thần kinh, tái hoạt động khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể, sau phẫu thuật, điều trị ung thư... Bệnh phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt nhóm trên 50 tuổi.
Hiện chưa có nghiên cứu về dịch tễ bệnh tại Việt Nam. Riêng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 ca zona mỗi năm. Một nghiên cứu về dịch tễ học và gánh nặng bệnh zona tại 8 quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xuất bản năm 2024, cho biết tỷ lệ mắc bệnh zona trung bình mỗi năm là 3-10 ca trên 1.000 người. Còn tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết bệnh rất phổ biến, cứ ba người thì có một người mắc zona tối thiểu một lần trong đời, 1-4% bệnh nhân phải nhập viện do biến chứng.
Anh Phan Cự Nhân, 48 tuổi, TP HCM, bệnh nhân ung thư máu, được chỉ định tiêm vaccine zona thần kinh tại VNVC. Ảnh: Hồng Nhung
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam, cho biết zona thần kinh gây tổn thương ngoài da và rễ thần kinh. Sau khi tổn thương trên da được điều trị ổn định, virus có thể tiếp tục gây ra các triệu chứng về mặt thần kinh cho bệnh nhân.
Khoảng 30-50% ca bệnh gặp tình trạng đau dây thần kinh sau zona, được bác sĩ Thảo mô tả "đau như đau đẻ" ở giai đoạn cấp tính. Sang giai đoạn mạn tính, cơn đau dữ dội và kéo dài nhiều tháng, đến 50% bệnh nhân bị đau kéo dài hàng năm. Tỷ lệ tái phát zona dao động 2-18%.
Người mắc bệnh dễ gặp nhiều biến chứng như: bội nhiễm các sang thương da dẫn đến nhiễm trùng huyết; viêm kết mạc, giác mạc, hoại tử võng mạc cấp tính gây mù lòa; liệt mặt, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe... Bệnh nhân tăng nguy cơ giảm sắc tố da, sẹo lồi ở các vùng phát ban.
Theo Bộ Y tế, biện pháp điều trị zona thần kinh gồm chữa lành tổn thương, giảm đau, ngăn biến chứng. Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng virus làm giảm sự khó chịu và chấm dứt sớm các triệu chứng trong vòng 72 giờ, dùng thêm thuốc giảm đau không kê đơn và một số thuốc khác.
Để phòng zona thần kinh, ngoài biện pháp vaccine, các chuyên gia khuyến cáo áp dụng lối sống lành mạnh như sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục tăng sức đề kháng, không hút thuốc, tránh căng thẳng, phòng bệnh thủy đậu và tránh tiếp xúc bệnh nhân zona.
Gia Nghi