Theo ThS.BS Trần Ngọc Vân Anh, khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu dưỡng chất cần thiết như axit folic, omega-3, protein chất lượng cao và các chất chống oxy hóa hỗ trợ quá trình làm tổ của phôi, nâng cao tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bác sĩ gợi ý thực đơn chi tiết cho một ngày trước khi IVF như sau:
Buổi sáng: Uống một ly nước ấm với vài giọt chanh để thanh lọc cơ thể và kích thích tiêu hóa. Ăn sáng với bánh mì nguyên cám nướng phết bơ và hai quả trứng luộc cung cấp protein, chất béo lành mạnh.
Một ly sinh tố xanh gồm rau bina, cải xoăn (chứa axit folic, chất chống oxy hóa) và một quả chuối chín giúp cơ thể bổ sung kali, hỗ trợ chức năng hormone. Hạt chia cung cấp omega-3 nên sử dụng kèm một ly sữa hạnh nhân không đường hoặc sữa chua nếu bụng còn đói.
Bữa phụ sáng (khoảng 10h): Dùng khoảng một nắm tay hạt óc chó và hạnh nhân, kèm một quả táo hoặc lê. Nếu buổi sáng cơ thể chưa được bổ sung sữa hay sữa chua thì có thể dùng thêm vào lúc này.
Buổi trưa: Salad gà áp chảo cùng rau xà lách, cà chua bi, dưa chuột, hạt bí đỏ, trộn cùng dầu ô liu và nước cốt chanh làm nước sốt. Nên ăn một chén cơm gạo lứt, kèm một ly nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường.
Bữa phụ chiều (khoảng 15h): Sữa chua Hy Lạp không đường kèm vài lát kiwi hoặc dâu tây giúp bổ sung lợi khuẩn, canxi cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Buổi tối: Cá hồi áp chảo kèm tỏi và dầu ôliu, rau củ luộc hoặc hấp (bông cải xanh, cà rốt, đậu Hà Lan) giúp bổ sung dưỡng chất, giảm căng thẳng, lo âu khi điều trị IVF. Trong khẩu phần ăn, bạn có thể thêm một chén khoai lang nướng, uống thêm nước lọc.
Trước khi ngủ: Bổ sung một ly sữa ấm (sữa hạnh nhân hoặc sữa bò ít béo) giúp cơ thể thư giãn, cung cấp canxi.
Bác sĩ Vân Anh tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Có thể thay đổi và chế biến món ăn sao cho phù hợp với sở thích, nếp sinh hoạt, song cần lưu ý các vấn đề dinh dưỡng.
Đảm bảo dinh dưỡng cần thiết: Tăng cường axit folic (vitamin B9) bởi chúng có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của phôi thai, nhất là trong giai đoạn hình thành ống thần kinh. Thiếu hụt axit folic có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Bác sĩ khuyến nghị bổ sung 400-800 mcg mỗi ngày bằng các loại thực phẩm như rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, các loại đậu, trái cây họ cam quýt, ngũ cốc nguyên hạt...
Bổ sung omega-3 có trong cá hồi, cá thu, cá mòi, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó... hỗ trợ cân bằng hormone sinh sản, cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng, giảm viêm. Nếu không ăn cá, có thể bổ sung omega-3 từ viên dầu cá nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại an toàn và phù hợp, đảm bảo liều lượng.
Thêm vitamin D vào bữa ăn để cải thiện chất lượng niêm mạc tử cung, hỗ trợ quá trình làm tổ của phôi thai. Chất dinh dưỡng này có trong cá béo, lòng đỏ trứng, sữa, ngũ cốc hoặc tắm nắng vào sáng sớm.
Ăn đủ protein và chất chống oxy hóa: Protein cung cấp axit amin cần thiết cho sự phát triển của trứng và tinh trùng, đồng thời hỗ trợ quá trình phân chia tế bào của phôi thai. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào trứng và tinh trùng khỏi tổn thương do gốc tự do, tăng cường chất lượng phôi. Các loại chất chống oxy hóa quan trọng gồm vitamin C, E, beta-carotene (có trong cà rốt, bí đỏ, khoai lang) và selen (có trong cá, trứng...).
Tránh thực phẩm có hại: Caffein, đồ uống có cồn, thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện... không có lợi cho sức khỏe. Phụ nữ uống quá nhiều caffeine có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone và giảm tỷ lệ IVF thành công. Để tỉnh táo làm việc và đảm bảo sức khỏe, không nên tiêu thụ quá 200 mg một ngày, tương đương 1-2 tách cà phê. Tuyệt đối tránh bia rượu, đồ ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt...
Chị em nên bắt đầu áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh 3 tháng trước khi bắt đầu thực hiện IVF. Đồng thời, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động xã hội kết hợp nghỉ ngơi giúp tinh thần thoải mái, hạn chế stress.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp