BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo như trên, giải thích virus cúm có thể kích hoạt phản ứng viêm toàn cơ thể và hệ thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng huyết áp và nhịp tim. Người bệnh thường sốt cao, mất nước, tăng nhu cầu oxy của cơ thể, tim phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng. Virus cúm có thể xâm nhập trực tiếp, tấn công hệ tim mạch thông qua nhiều cơ chế phức tạp, đa chiều, gây viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim, làm giảm chức năng bơm máu của tim, dẫn đến suy tim, tử vong.
Virus cúm kích hoạt chuỗi phản ứng viêm toàn thân, hệ thống đông máu và làm tổn thương nội mạch. Quá trình viêm cũng làm tăng nguy cơ nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành cục máu đông, huyết khối. Nếu mảng xơ vữa di chuyển có thể gây tắc nghẽn mạch máu ở tim và não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Người có bệnh nền tim mạch, hệ miễn dịch bị suy giảm khiến khả năng chống chọi với nhiễm trùng kém, có thể gây biến chứng nặng.
"Biến chứng cúm nguy hiểm nhất ở bệnh nhân tim mạch là viêm cơ tim", bác sĩ Trang nói, dẫn chứng nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ trên 80.000 bệnh nhân nhiễm cúm là người trưởng thành, cho thấy cứ 8 người thì có một người gặp các biến cố tim mạch như suy tim cấp hoặc tim thiếu máu cục bộ cấp. Tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tháng 1, số ca cúm tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, ca nặng phải nhập viện điều trị tăng 32%, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh nền tim mạch. Thời điểm đầu năm thời tiết thay đổi nóng lạnh bất thường, tập trung đông đúc tại các địa điểm lễ hội... đều là nguyên nhân khiến cúm gia tăng.
Nhiều bệnh nhân tới khám tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đơn cử ông Bình, 61 tuổi, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở, sốt cao ngày thứ 4, kèm theo đau mỏi cơ thể. Bác sĩ xác định người bệnh bị tràn dịch màng ngoài tim, đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh mắc cúm A giai đoạn cấp tính.
Theo bác sĩ Trang, virus cúm có thể tấn công trực tiếp vào các tế bào tim, ở trường hợp này gây ra viêm ngoài màng tim, dẫn đến tiết dịch, gây tràn dịch. Dịch tích tụ quanh tim chèn ép tim làm hạn chế khả năng giãn của tim, nếu không xử trí kịp thời tình trạng này dẫn đến chèn ép tim cấp, rối loạn huyết động. Ban đầu người có thể bị trụy mạch, hạ huyết áp, ở mức độ nặng hơn gây ra sốc tim trầm trọng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ chọc dịch màng ngoài tim, lấy ra 500 ml dịch. Các bác sĩ tim mạch cùng bác sĩ khoa Nội tổng hợp đưa ra phác đồ điều trị nội khoa phù hợp. Người bệnh phục hồi nhanh, không tái phát tràn dịch, xuất viện sau 7 ngày.
Bác sĩ Trang siêu âm tim cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để phòng cúm, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, khuyến cáo mỗi người nên ăn uống khoa học, tăng đề kháng thông qua thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ. Tập thể dục vừa phải, tránh tiếp xúc người bệnh, rửa tay, mang khẩu trang. Tiêm vaccine có thể phòng ngừa khoảng 40% nguy cơ mắc bệnh cúm.
Người có bệnh nền tim mạch nên đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu cúm để được theo dõi sức khỏe kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp