Không thể đi lại do thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh

04/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Không thể đi lại do thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh

Anh Ánh bị thoát vị đĩa đệm 5 năm qua điều trị bằng thuốc, tập vật lý trị liệu song đau ngày càng nghiêm trọng, lan xuống mông và chân, không thể đi lại. Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận khối thoát vị rất lớn, chèn ép nghiêm trọng rễ thần kinh, kèm theo tình trạng xẹp và lồi đĩa đệm. Ngày 18/11, BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Ngoại cột sống, cho biết các biện pháp điều trị bảo tồn không còn hiệu quả, anh Ánh cần được phẫu thuật lấy nhân đệm, giải phóng thần kinh.

Bác sĩ lấy nhân đệm qua ống nong. Đây là phương pháp mổ ít xâm lấn, vết mổ nhỏ 2-3 cm, ít tổn thương mô mềm, cơ bắp và thần kinh xung quanh. Bác sĩ đặt ống nong vào vị trí đốt sống bị tổn thương, thông qua đó lấy đĩa đệm ra khỏi cơ thể. Với sự trợ giúp của kính vi phẫu hiện đại Zeiss, vị trí cần phẫu thuật được phóng to lên hàng chục lần, bác sĩ quan sát rõ và thực hiện các thao tác chính xác, tránh chạm vào thần kinh, tủy sống.

Bác sĩ Xuân Anh mổ lấy khối thoát vị cho người bệnh bằng hệ thống kính vi phẫu Zeiss. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hai ngày sau mổ, anh Ánh phục hồi tốt, không còn tê, có thể đi lại nhẹ nhàng và chỉ còn đau nhẹ tại vết mổ. Sau phẫu thuật, anh dùng thuốc để phục hồi cấu trúc thần kinh và tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ. Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện sức mạnh các cơ xung quanh cột sống, từ đó giảm đau, tăng cường sức khỏe cột sống sau thời gian dài tổn thương, hạn chế tình trạng tái phát hoặc xuất hiện các biến chứng sau phẫu thuật.

Hai tuần sau mổ, anh hồi phục 80%. Bác sĩ Xuân Anh tiên lượng sau 6 tuần, anh có thể phục hồi gần như bình thường.

Theo bác sĩ Xuân Anh, thoát vị đĩa đệm là tình trạng phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, lệch khỏi vị trí ban đầu. Đĩa đệm thoát vị có thể chèn ép đám rối thần kinh đuôi ngựa, dẫn đến biến chứng đau, tê yếu, liệt. Nhiều trường hợp chèn nặng gây mất kiểm soát cơ vòng bàng quang, rối loạn chức năng tình dục.

Lão hóa, chấn thương, thói quen và tư thế sinh hoạt sai là nguyên nhân phổ biến nhất gây thoát vị đĩa đệm. Bệnh thường gặp ở những người có thói quen ngồi nhiều, ít vận động, nâng vác vật nặng sai cách...

Phòng bệnh bằng cách tránh chấn thương, mang vác nặng và vận động phù hợp để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp. Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường thực phẩm chứa canxi, vitamin D. Hạn chế rượu bia, chất kích thích. Kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường như đau, tê vùng mông, đùi, chân, đi tiểu khó hoặc tay chân đột ngột yếu đi.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật