Giãn dây chằng

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Chấn Thương - Chỉnh Hình
Giãn dây chằng

Giãn dây chằng (bong gân) là hiện tượng dây chằng bị kéo căng quá mức do nhiều yếu tố, thường là do bị ép đột ngột, khiến cho các khớp di chuyển ra ngoài phạm vi bình thường. Tình trạng này thường xảy ra ở khớp gối, khớp vai, phổ biến ở mắt cá chân.

ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết giãn dây chằng là chấn thương thường gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng như đau mạn tính, nguy cơ tái phát cao và chấn thương dây chằng ở khu vực khác, cứng khớp, thoái hóa khớp sớm...

Bác sĩ Vũ kiểm tra tình trạng dây chằng khớp gối của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tùy theo tình trạng tổn thương mà giãn dây chằng được chia thành ba mức độ sau:

Độ một (nhẹ): Dây chằng giãn nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Ở thời điểm xảy ra chấn thương, người bệnh có thể nghe tiếng "bóc", đau nhức và sưng nhẹ.

Độ hai (trung bình): Dây chằng có thể bị rách một phần, chảy máu bên trong mức độ trung bình, đau và sưng nhiều hơn. Người bệnh bị hạn chế vận động hoặc không thể cử động khớp bị giãn dây chằng.

Độ ba (nặng): Dây chằng rách lớn, dẫn đến cảm giác đau dữ dội, chảy máu nhiều và sưng tấy. Người bệnh không thể trụ được trên chân bị giãn dây chằng. Một số trường hợp, người bệnh có cảm giác trật khớp hoàn toàn.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương dây chằng, người bệnh nên đi khám để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng. Thông thường, ở mức độ nhẹ, giãn dây chằng có thể tự khỏi nếu được sơ cứu kịp thời và chăm sóc đúng cách. Ngay khi gặp chấn thương này, người bệnh nên áp dụng phương pháp sơ cứu R.I.C.E trong 24-72 giờ đầu tiên gồm Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương).

Nếu tình trạng không cải thiện hoặc giãn dây chằng ở mức độ nặng, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ khám trực tiếp. Lúc này, người bệnh có thể được điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp các phương pháp như dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.

Người bệnh tập phục hồi chức năng 1:1 với kỹ thuật viên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thuốc giảm đau và kháng viêm là những loại thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp giãn dây chằng. Thuốc có thể được kê đơn dưới dạng uống hoặc thoa ngoài da.

Các bài tập vật lý trị liệu có khả năng giúp ngăn ngừa sự hình thành mô sẹo bất thường, hạn chế tình trạng cứng khớp, khôi phục các cơ tổn thương. Đồng thời, người bệnh có thể được giảm đau thông qua các kỹ thuật vận động khớp, xoa bóp mô mềm, điện trị liệu, thả lỏng hoặc tăng cường tập luyện vùng bị thương bằng các bài tập và kỹ thuật được chỉ định riêng.

Thời gian tập luyện và phục hồi ở mỗi người là khác nhau, tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tốc độ chữa lành của cơ thể. Thông thường, giãn dây chằng mắt cá chân ở mức độ trung bình có thể cần 3-6 tuần tập vật lý trị liệu để có thể đi lại bình thường. Nếu giãn dây chằng ở mức độ nghiêm trọng có thể mất 8-12 tháng để hồi phục hoàn toàn và cần phải thận trọng để tránh tái phát chấn thương.

Khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc đau nhiều và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật như nội soi tái tạo dây chằng đang được áp dụng tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bác sĩ Vũ cho biết đây là phẫu thuật ít xâm lấn nên ít đau và ít mất máu, người bệnh phục hồi nhanh chóng, có thể đi lại sau vài ngày.

Phi Hồng

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật